Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Dưỡng sinh phòng chống stress


Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, tiến tới sống lâu và sống có ích, y học phương Đông bên cạnh có các cây con làm thuốc, còn thực hiện được các phương pháp tập luyện cơ thể, thần kinh dinh dưỡng đúng cách, thái độ tinh thần tích cực, phương pháp tự xoa bóp,… phương pháp dưỡng sinh bao gồm 3 phần lớn : luyện tập, ăn uống và thái độ tinh thần.

Hiện nay phong trào tập dưỡng sinh đã phát triển toàn khắp cả nước với hàng trăm ngàn người tập mỗi ngày, góp phần duy trì sức khoẻ và nâng cao tuổi thọ của người Việt Nam.
          Trong cuộc sống hiện đại, con người phải đương đầu với stress. Stress đó là sự quá tải về mặt thể chất và tinh thần. Theo tiếng Anh stress có nghĩa sức căng, sức ép, sự cố gắng quá mức.
  
Tại sao chúng ta bị stress?
Đây là một vấn đề xảy ra thường xuyên do rất nhiều nguyên nhân, có xu hướng ngày càng tăng trong cuộc sống hiện tại. Stress rất đa dạng có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong mọi tình huống, chẳng hạn bị ốm hoặc vừa trải qua một tai nạn trong sinh hoạt, lao động...sự căng thẳng trong cuộc sống gia đình, sự đòi hỏi phải nổ lực đáp ứng với nhu cầu công tác, quan hệ thoải mái với đồng nghiệp... thậm chí tiếng chuông điện thoại giữa đêm khuya, tiếng ồn quá mức,.... đều là những nguyên nhân dẫn đến stress.
          Thông thường stress tác động vào cơ thể thông qua các giác quan, tác động trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, qua 3 giai đoạn:
1    Giai đoạn tự vệ (hay còn gọi là giai đoạn thích nghi): nhiều chất nội tiết trong cơ thể có phản ứng nhanh nhạy với các kích thích.
2    Giai đoạn tiếp sau là giai đoạn hưng phấn (hay phản ứng đề kháng): cơ thể huy động khả năng thích ứng tối đa để vượt qua.
3    Giai đoạn ức chế: nếu kích thích cường độ cao hoặc kích thích cường độ nhỏ nhưng kéo dài, sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế quá mức cơ thể vào tình trạng suy sụp.
4    Tình trạng stress kéo dài dẫn đến rối loạn chuyển hoá Lipid, làm tăng Cholesterol trong máu. Stress làm tăng tiết Catecholamin mà chủ yếu là Adrenalin, gây co mạch dẫn đến thiếu ôxy ở tim và thành mạch, thiếu ôxy ở các tổ chức.

Người ta càng chú ý đến vai trò của stress cảm xúc tối sự phát sinh các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và nhồi máu cơ tim ở những người làm việc căng thẳng.
Stress có thể gây ra nhiều căn bệnh:
1.     Bệnh tâm thần kinh: mất ngủ, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn phiền, cáu gắt, loạn trí nhớ, trầm cảm....
2.     Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, loạn nhịp tim, hồi hộp đánh trống ngực.
3.     Bệnh tiêu hoá: viêm loét dạ dày tá tràng, chảy máu tiêu hoá, thủng dạ dày, tiêu chảy, khô miệng, chán ăn, ăn không tiêu, hơi thở hôi, rối loạn chức năng đại tràng.
4.     Bệnh tình dục: giảm ham muốn, di tinh, mộng tinh,....
5.     Bệnh phụ khoa: rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết...
6.     Bệnh cơ khớp: co cứng cơ, đau lưng, đau khớp, cảm giác kiến bò ở ngón tay, máy mắt, chuột rút, run rẩy,...
7.     Toàn thân suy sụp, mệt mỏi, dễ mắc các bệnh dị ứng hay bệnh truyền nhiễm.
8.     Lưu ý chúng ta hay gặp nhất stress gây chứng rụng tóc gặp ở mọi lứa tuổi.
Đặc biệt stress là một trong những nguyên nhân làm rối loạn giữa gốc tự do
(free radical) và chất chống ôxy hoá (antioxydant), cơ chế trực tiếp gây nên quá trình lão hoá sớm.

Chúng ta phải làm gì để chống stress?
    Hãy luôn tạo cho mình một niềm tin, nụ cười luôn là liều thuốc bổ, sự say mê, hứng thú lành mạnh: câu cá, đánh tenis,...Nếu mệt mỏi nên nghỉ ngơi. Khi cần thiết phải giảm cường độ lao động cả về thể lực và trí lực, hãy tạo cho mình nghỉ ngơi tích cực như tham quan, du lịch.
    Cần biết hạn chế, loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến stress, cần thích nghi với hoàn cảnh, hãy cố gắng giành thế chủ động trong mọi tình huống nhưng cần tránh bị kích thích.

Tập thể dục thể thao sẽ giúp ta quên đi phiền muộn.
    Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất để giúp cơ thể chóng bình phục, ăn nhiều rau quả tươi, tăng đạm, không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, socola. Hãy tạo cho mình giấc ngủ sâu , ngủ đủ đúng giờ.
    Các nhà y học phương Tây khi sang Ấn Độ để nghiên cứu phương pháp tập Yoga đã tìm thấy một bài tập có khả năng chống stress hiệu quả đó là phương pháp luyện thư giãn. Từ đó đến nay bài tập này đã được giới thiệu rộng rãi cho quần chúng. Bài tập thư giãn là một trong những nội dung chính của phương pháp dưỡng sinh có tác dụng phòng chống stress rất nhanh, bảo vệ hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Chúng tôi xin giới thiệu về bài tập luyện thư giãn của phương pháp dưỡng sinh.
       
Thư giãn: là một phương pháp nghỉ ngơi chủ động, trong đó toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp giảm đến mức thấp nhất, nói cách khác là luyện quá trình ức chế của hệ thần kinh.

* Hướng dẫn bài tập thư giãn:
Tư thế: tư thế nằm là tốt nhất vì tất cả các cơ đều có thể giãn ra dễ dàng. Khi đã thành thạo thì ở bất kỳ tư thế nào chúng ta cũng có thể thư giãn, từng phần của cơ thể, thí dụ có thể ngồi dựa thoái mái trên một ghế dựa, hoặc ngồi thẳng lưng, thông chân hay xếp bằng, hai tay buông thỏng hoặc tư thế người đánh xe bò.
Ở đây chúng ta chọn tư thế nằm ngửa thẳng, thả lỏng toàn thân lòng bàn tay ngửa lên, hai tay đặt song song với thân( nếu để bàn tay sấp có thể ta bị tê tay do động mạch khuỷu tay bị ép)

* Sau đó thực hiện các bước thư giãn:
Bước 1: Ức chế ngũ quan: che mắt, tập ở nơi yên tỉnh, nếu trời nóng mặt quần áo mỏng, hoặc để quạt nhẹ, trời lạnh đắp mềm mỏng, xa nơi đang nấu ăn...
Che mắt có 2 điều lợi lớn: thứ nhất là ức chế được ánh sáng kích thích thị giác tạo điều kiện cho thần kinh trung ương được nghỉ ngơi. Thứ hai là tạo phản xạ có điều kiện, những lần tập sau ta chỉ cần đặt khăn che mắt là cơ thể mềm giãn ra nhanh chóng đi vào thư giãn.
Bước 2: Tự nhủ thầm cho các cơ mềm ra, giãn ra từ từ, chắc chắn từng nhóm cơ một, từ trên xuống dưới, toàn thân cảm thấy nặng và ấm; bắt đầu thầm nhủ từ nhóm cơ vùng đầu mặt mềm ra, rồi xuống dần nhóm cơ vùng cổ gáy, vùng lưng ngực, vùng cánh tay, cẳng tay, ngón tay, bàn tay; rồi đến nhóm cơ vùng bụng hông; vùng đùi bắp chân, bàn chân, ngón chân. Sau đó tự nhủ thầm toàn thân mềm ra, giãn ra nghỉ ngơi hoàn toàn, toàn thân nặng xuống, ấm lên. Ta có cảm giác nặng là do cơ vân giãn tốt, cảm giác ấm là do cơ trơn mạch máu giãn tốt.
Bước 3: Tập trung ý chí theo dõi hơi thở ra vào qua mũi tới phổi khoảng 10 hơi thở có thể đi vào giấc ngủ ngắn 15 -30 phút. Lúc này trên võ não chỉ còn một điểm hưng phấn theo dõi hơi thở , còn các vùng khác của hệ thần kinh trung ương được nghỉ ngơi, ức chế.

Kiểm tra thư giãn:
Khi người tập thư giãn đạt tốt, ta quan sát thấy nét mặt người đó bình thản, giảm nhiều vét nhăn, sau đó ta cầm cổ tay người tập thư giãn nhấc nhẹ nhàng lên rồi thình lình thả xuống, cẳng tay sẽ rớt nhanh và nặng; nếu rớt chậm và ngượng thì thư giãn chưa đạt tốt, có thể ra lệnh mềm cơ vài lần nữa. Nhưng lần sau chắc chắn sẽ tốt hơn.Có thể tự kiểm tra bằng cách tự nhấc tay lên rồi thả xuống.

Chỉ định của thư giãn:
Luôn luôn nên tập thư giãn hàng ngày sau mỗi khi gắng sức về trí lực hoặc thể lực. Buổi sáng tập thư giãn sau khi tập thể dục; buổi trưa lúc nghỉ trưa 15 đến 30 phút; buổi chiều sau giờ làm việc. Mỗi lần thư giãn khoảng 10- 15 phút, riêng khi đến giờ ngủ ( buổi tối) thì ta thư giãn rồi đi vào giấc ngủ tốt hơn.
          Tại cơ quan sau giờ làm việc hoặc đi trên tàu xe chúng ta thư giãn ở tư thế ngồi ghế tựa là thuận lợi nhất.

Một số bài tập thư giãn theo hướng dẫn của Bác sĩ  Schultz

1    Bài tập thứ nhất: tay nặng.Tập trung tư tưởng vào tay thuận và nói thầm” Tay tôi nặng, rất nặng , nặng như chì”. Đừng rán quá sức để tự nhiên cho cảm giác nặng và có thể lan toả toàn thân.
2    Bài tập thứ 2: Tay ấm. Tập trung tư tưởng và nói thầm” Tay tôi ấm hơ hơ vào lửa, như phơi tay ngoài nắng ấm.”
3   Bài tập thứ 3: Trái tim êm dịu. Tập trung tư tưởng vào trái tim và nói thầm” Tim tôi êm dịu” để cho cảm giác êm dịu tự nó đến dần dần nhịp đập đều, êm dịu, không rán quá sức để sửa đổi nhịp đập của nó.
4    Bài tập thứ 4: theo dõi hơi thở, theo dõi hơi thở ra vào êm dịu nhẹ nhàng.
5    Bài tập thứ 5: Bụng ấm. Tập trung tư tưởng vào vùng thượng vị vào đám rối thần kinh mặt trời và nói thầm câu ” đám rối thần kinh mặt của tôi ấm lên, rất ấm.”
6    Bài tập thứ 6: Trán mát rất dễ chịu. Tập trung tư tưởng vào trán và nói thầm ” Trán tôi mát rất d6ẽ chịu” không rán quá sức mà để tự nhiên cảm giác đến.

Đây là 6 bài tập tự tập sơ cấp của BS Schultz. Tập từ 2 -6 tháng phải tập xong bài 1 mới đến bài thứ 2, mỗi ngày 2 -3 lần, mỗi lần 5 -30 phút. Có thể chọn tư thế nằm, ngồi ghế có tựa hoặc tư thế người đánh xe bò

Tóm lại: thư giãn là một trạng thái nghỉ ngơi chủ động trong đó toàn bộ hoạt động của hệ thần kinh và cơ bắp giảm đến mức thấp nhất. Tư thế tốt nhất để thư giãn là tư thế nằm thư giãn.
-         Bất cứ lúc nào, sau giờ làm việc, tại phòng làm việc hoặc trên giường ngủ, đi trên tàu xe bạn hãy luyện thư giãn của phương pháp dưỡng sinh trên đây sẽ giúp bạn một cảm giác dễ chịu và bảo vệ hoạt động của hệ thần kinh trung ương tốt hơn.
-         Chúng ta hãy coi stress là tác nhân để thích nghi, là biện pháp giúp cơ thể thích nghi với hoàn cảnh sống. Khi có bệnh, cần được khám bệnh điều trị kịp thời. Thầy thuốc sẽ giúp nâng cao sức khỏe chống lại stress, khắc phục hậu quả của stress đã gây ra cho bạn. Bên cạnh phương pháp luyện thư giãn sẽ giúp bạn vượt qua và chống stress hiệu quả rất nhanh.

Phải nhớ rằng stress là kẻ thù nguy hiểm của tuổi già phải đề phòng và tránh xa nó để có cuộc sống vui vẻ, thoải mái.


Nguồn: http://www.dongyhongduc.com/content/detail/7/107

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét