"Nói láo mà chơi, nghe láo chơi
Dàn dưa lất phất hạt mưa rơi
Chuyện đời chán ngán, không buồn nhắc
Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời".
Mấy câu thơ của của Vương Ngư Dương do nhà thơ Tản Đà dịch trong phần mở đầu cuốn Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh, hôm nay làm cho những suy nghĩ của thân phận kẻ "tiện dân" muốn nói mấy lời với các bậc "quan thanh cao" vậy.
Khi cùng đường, hoặc khi cần đạt mục đích tối cần thiết, các loài động vật và con người thường phải sử dụng mưu sâu, kế hiểm để thực hiện mục đích đó bằng mọi giá. Trong cách thực hiện đó, nói láo và hành động trái với văn hóa chuẩn, hay nói thật và hành động chuẩn với văn hóa nền của nhân loại là cách thể hiện đẳng cấp của một tư duy thánh thiện hay rác rưởi đang ngự trị trong bộ óc của một cá thể hay tầng lớp.
Trong tác phẩm "Tiếng con chim hót trong bụi mận gai", có một chi tiết đáng để phải suy nghĩ. Khi Cha Ralph de Bricassart bị một Đức Hồng Y đỡ đầu mình bắt gặp trong cuốn kinh của ông có hình cô Meggie Cleary. Ông bị hỏi, con có yêu cô ta không? Diễn tiến tâm lý phức tạp của cha Ralph lúc ấy đã đi đến quyết định: nói thật là cách nói dối tốt nhất trong mọi tình huống. Và cuối cùng ông công nhận là ông đã yêu cô gái tóc nâu Meggie. Điều nói thật này làm cho Đức Hồng Y không tin, thông cảm và khuyên nên xưng tội nếu ông đã lỡ phạm vào giáo điều của Chúa. Và cha Ralph cuối cùng cũng toại nguyện khi được phong Hồng Y để đi đến đỉnh vinh quang của sự nghiệp tu hành của mình ở tòa thánh Vatican - Đức Giáo Hoàng.
Chủ đề tư tưởng của Tiếng con chim hót trong bụi mận gai nói lên sự phát triển tư duy của 3 thế hệ người phụ nữ nước Úc sau lập quốc. Qua đó nói lên tính nhân bản của một tư tưởng, đã là con người ai cũng phạm những sai lầm vì tham vọng. Nhưng có những việc làm láo có tính nhân bản, và có những việc láo bất nhân.
Láo nhân bản là láo nhưng không hại đến ai, mà nếu có hại thì chỉ có thể làm hại đến bản thân người làm ra cái láo. Nó có thể tha thứ được và có tính hướng thiện trong mỗi cái láo. Cách cha Ralph láo trong tiểu thuyết của Colleen McCullough mà tôi kể ở trên, là láo loại nhân bản.
Láo bất nhân bản là loại láo không có tính hướng thiện. Nó có đặc thù tất nhiên, liên tục. Láo sau to lớn hơn láo trước, và quan trọng nhất là, nó không hại đến bản thân kẻ gây ra láo, mà lại gây hại đến người khác khi cái láo nhỏ. Và di hại đến cộng đồng khi cái láo to lớn. Những cái láo bất nhân nhỏ thường chỉ xảy ra ở những cá nhân không quyền lực. Những cái láo bất nhân lớn chỉ có thể xảy ra đối với những tập thể hoặc cá nhân đang nắm quyền lực của một cộng đồng.
Sau khi bị lên án vi phạm hiến pháp về vấn đề tận thu phí, hôm 03/4/2012, ông bộ trưởng giao tải cho rằng, nghị quyết trả lời chất vấn được quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,4% về chủ trương 2 loại phí hạn chế phương tiện cá nhân và lưu hành ô tô đi vào thành phố giờ cao điểm. Nhưng các đại biểu quốc hội lại bảo rằng, ông bộ trưởng đánh lận con đen, vì họ chỉ thông qua chủ trương chung về vấn nạn ách tắc giao thông, chứ họ không thông qua vấn đề thu phí giao thông. Có lẽ, ông bộ trưởng đã không hiểu, hay giả vờ không hiểu thế nào là cặp phạm trù riêng chung, để làm chuyện láo bất nhân? Nhưng sau khi báo chí truy trách nhiệm ông về chuyện tiền nong, khi ông còn làm ở vị trí lãnh đạo các tập đoàn thì, cái loa của ông tắc liệm.
Cách đây một năm, nghị quyết 11/2011 đưa ra những giải pháp chủ yếu về việc ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, có việc thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt đầu tư công, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, vì nó là nguyên nhân của tham nhũng và lạm phát dẫn đến bất ổn kinh tế có thể làm sụp đổ chính trị. Nhưng chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012, đã có những đầu tư công rất khủng, như xây dựng cụm nhà máy lọc dầu Nghi Sơn Thanh Hóa đến 8 tỷ đô la Mỹ, như trển khai cụm hóa dầu ở Bà Rịa Vũng Tàu lên đến 4 tỷ đô la Mỹ, và bao nhiêu dự án khác bắt đầu tiến độ không ngừng, để rồi lãi thì ăn, lỗ thì dân phải chịu. Té ra cái nghị quyết 11 của chính phủ là một cái láo bất nhân lớn hơn?
Hai ví dụ láo bất nhân ở trên của bộ giao tải và chính phủ là láo hành động, chưa đáng ngại. Vì láo hành động có thể do đánh giá thực tế khách quan sai lầm, hoặc phân tích thực tế khách quan chưa đúng, nên đưa ra chủ trương và hành động chưa đúng. Và sẽ nguy hiểm hơn, nếu ghi nhận thực tế đúng, phân tích đúng, và đưa ra một chủ trương láo để mỵ dân, vì đó là láo về tư tưởng.
Sau cái nghị quyết 11/2011 của chính phủ đúng 1 năm, lại có cái nghị quyết trung ương đảng 4 chủ trương phê và tự phê để giải quyết những vấn đề bức thiết ảnh hưởng đến tồn vong của một chế độ. Bản chất của con người là tham vọng tư hữu và quyền lực, thế thì có người phàm xác thịt nào mà điên đi phản biện lại bản chất của mình? Nên phê và tự phê là một loại láo bất nhân về tư tưởng, đáng sợ hơn láo hành động. Nó cho thấy nghị quyết trung ương 4 nó phá sản ngay từ khi chưa thực hiện. Và việc có mặt của nghị quyết này dường như để giải quyết nhiệm vụ láo của nó trước toàn dân - mỹ từ để mỵ dân ngu - hòng níu kéo thêm thời gian tồn tại của một chế độ có nguy cơ sụp đổ như người đứng đầu tổ chức chính trị cầm quyền.
Loại láo kiểu như nghị quyết trung ương 4 là láo bất nhân về mặt tư tưởng. Vì láo tư tưởng quyết định láo hành động, cho nên đã có cái bộ giáo dục, bộ thông tin truyền thông, mà còn có thêm cái ban trên bộ là ban tư tưởng trung ương để nghiên cứu và đưa ra cách để chiếm hữu tư tưởng con người vậy.
Dù là tiểu thuyết, nhưng cái chết của cha Ralph de Bricassart như tiếng con chim hót trong bụi mận gai. Nó hót lên tiếng hót hay nhất, nhân bản nhất trong cả cuộc đời nó, trước khi nó tự đâm mình vào cái gai của cây mận, để làm cho trần gian đầy bi lụy nhiều tiếc thương, vì cái cách láo rất nhân bản trong cả cuộc đời ông. Song, trên thực tế cuộc sống cái láo bất nhân của những Gaddafi, thì đến giờ phút cuối cùng trước khi chết, và sau khi chết của ông, lại không có bất kỳ một niềm thương cảm nào, vì những cái láo bất nhân mà, ông đã một đời gầy dựng cho cộng đồng đa sắc tộc Libya và trên toàn cầu.
Cho nên trong cuộc đời làm người, không ai dám chắc mình là, chưa bao giờ có tư tưởng và hành động láo. Nhưng khi đã có thì nên chọn cách láo có nhân bản, thật thà với nhau những lý do sai lầm, để vẫn còn có chút gì gọi là đạo đức và còn có một kết thúc có hậu vậy.
Nguồn: http://bshohai.blogspot.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét