Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

TIN MỪNG: Mt 6,1-6.16-18


1 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

 5 "Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

16 "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.

Mt 6,1-6.16-18


ĂN CHAY - CHIA SẺ - CẦU NGUYỆN

Ngôn sứ Giô-en trong Bài đọc I, kêu gọi hết mọi tầng lớp người từ lớn đến nhỏ phải ăn chay cầu nguyện, để Chúa cất bớt tai họa đang xảy ra: cào cào, châu chấu phá hết mùa màng, làm mọi người lâm cảnh chết đói (x Ge 2,12-18). Hội Thánh mượn tâm tình này của người Do-thái để nhắc nhở mọi Ki-tô hữu đừng nhắm mắt làm ngơ trước sự tàn phá của tội lỗi vô cùng tai hại, nó không chỉ làm khổ người phạm tội mà thôi, mà bất cứ tội nào cũng che khuất vinh quang Thiên Chúa, làm cho đồng loại phải đau khổ. Đan cử người con thứ tuy làm tiêu tán hết tài sản người cha đã chia cho. Hậu quả là anh quá tủi nhục, đói khát đến nỗi cám heo cũng không có mà ăn, làm anh tỉnh ngộ mà trở về với cha và thưa: “Con đã phạm tội với Trời và với cha (đồng loại)” (x Lc 15,21).

Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người sám hối trở về với Chúa thể hiện bằng làm lành: “Hãy sinh quả phúc đức xứng với lòng hối cải” (Mt 3,8). Nhằm kích động các tín hữu sinh quả phúc đức, Hội Thánh muốn chúng ta tìm hiểu ý nghĩa trong  nghi thức xức Tro đầu mùa Chay để biết ăn chay, chia sẻ và cầu nguyện.

I. Ý NGHĨA NGHI THỨC XỨC TRO: DẤU CHỈ LÒNG SÁM HỐI.

Vào thời Giáo Hội sơ khai, ngày đầu mùa Chay thánh, cả cộng đoàn dân Chúa kêu gọi những người phạm tội trọng: ngoại tình, giết người, bỏ đạo, phải mau kíp trở về đường ngay nẻo chính. Ai phạm tội đó, phải cạo trọc và trát tro lên đầu, rồi ra trình diện giữa cộng đoàn Phụng Vụ, vị Giám mục chủ sự đứng ra nhận lòng sám hối của hối nhân, và kêu gọi mọi người phải cầu nguyện cho hối nhân sống được Lời Kinh Thánh: “Xưa các con chỉ nghĩ đến chuyện xa lìa Thiên Chúa,thì một khi trở về,các con phải nỗ lực gấp mười mà tìm kiếm Chúa” (Br 4,28). Trong suốt 40 ngày sám hối, hối nhân phải sống tách ra khỏi cộng đoàn, không được tham dự Phụng Vụ, và trong thời gian này cả cộng đoàn dân Chúa đều hiệp ý với Giám mục cầu nguyện cho hối nhân. Đến ngày thứ Năm Tuần Thánh, hối nhân được trở lại cộng đoàn Phụng Vụ, được vị Giám mục ban ơn xá giải. Có thế hối nhân mới được trở lại tham gia mọi sinh hoạt Phụng Vụ một cách bình thường.
Hình ảnh tội nhân trong thời gian sám hối bị đuổi ra khỏi cộng đoàn Phụng Vụ là lặp lại Nghi thức Sám Hối của dân Do-thái: Tư tế Aharon sẽ ấn tay trên đầu con dê và xưng thú mọi tội lỗi của dân Israel trút trên đầu con dê rồi đuổi  nó vào sa mạc (x Lv 16,20-22).

Ngày nay, Hội Thánh không còn giữ Nghi thức đó nữa, mà canh tân bằng việc vị chủ sự cộng đoàn Phụng Vụ xức tro trên đầu mọi Ki-tô hữu, để giữ lại ý nghĩa và giá trị Nghi thức Sám Hối thời Giáo Hội sơ khai. Hội Thánh phải canh tân  Nghi Thức Sám Hối thời Giáo Hội sơ khai, vì :
-          Về mặt tâm lý: Nếu làm như thời Giáo Hội sơ khai thì nhiều tội nhân không đủ can đảm ra thú tội.
-          Về mặt tín lý: Không hẳn ba loại tội: ngoại tình, giết người, bỏ đạo, mới là tội trọng gây tai họa, mà trong tình yêu của con người đối với Thiên Chúa,có thể nói tội nào cũng trọng, cho nên mọi người cần phải sám hối ăn năn, để trở về với Chúa, từ vị chủ sự cộng đoàn cho tới mọi thành phần dân Chúa.
Công thức đọc khi xức tro nói lên lý do và ý nghĩa việc sám hối. Có hai công thức được chọn một trong hai :
·         Hoặc đọc là: “Hãy ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng” (Mc 1,15).
·         Hoặc đọc là: “Ta là thân cát bụi, sẽ trở về cát bụi” (St 3,19).
Giáo huấn của Công Đồng Vat.II kêu gọi dân Chúa đặc biệt trong mùa Chay, phải mau sám hối mà trở về nẻo chính đường ngay để được kết hợp với Chúa Giê-su Phục Sinh. Lời kêu gọi này có hai đặc tính :
§     Theo Hiến Chế Phụng Vụ số 109: Mang tính cá nhân, mỗi người phải sám hối tội mình, hoặc là để chuẩn bị lãnh Bí tích Thánh Tẩy, hoặc là nhớ lại hồng ân đã lãnh nhận từ khi được làm con Chúa, nên cầu nguyện cho mọi tội nhân, để cả cộng đoàn cùng nhau trở về canh tân đời sống đạo, như lời thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy nghĩ đến nhau mà lo đôn đốc lòng mến trong các việc lành” (Dt 10,24).
§     Theo Hiến Chế Phụng Vụ số 110: Việc sám hối không chỉ kêu gọi mỗi cá nhân giục lòng ăn năn trong lòng, mà còn phải bày tỏ ra bề ngoài, mang chiều kích xã hội.
Phải bày tỏ lòng sám hối bề ngoài, cụ thể :
* Ăn chay và kiêng thịt. Theo Giáo Luật số 97 và 1252 quy định về Luật Ăn Chay: “Những tín hữu từ 18 đến 60 tuổi buộc phải ăn chay trong hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh, chỉ được ăn một bữa no trong ngày ; tuổi từ 14 cho đến chết, thì ngày chay còn phải kiêng thịt”.

* Ý nghĩa việc ăn chay và kiêng thịt: Kiêng thịt trong những ngày chay không có nghĩa ăn thịt là xấu, như giáo lý của nhà Phật, nhưng vì thịt là loại thực phẩm đắt tiền, ta phải bớt hưởng thụ cùng với việc ăn chay để có thêm của cải mà chia sẻ, hoặc làm những việc lành phúc đức, đặc biệt là phát triển Tin Mừng và xây dựng Hội Thánh  (x Điều răn thứ 5 mới của Hội Thánh – xem Giáo Lý Mới số  2041-2043). Bởi đó người có ý thức về việc ăn chay, không phải ăn chay kiêng thịt để có dư tiền của cho ngày mai ăn sang trọng hơn, cũng không phải bỏ ăn thịt lại mua thực phẩm khác đắt tiền hơn. Ví dụ: tôm hùm… Kiểu ăn chay như thế làm sao có thêm tiền của để chia sẻ ?
Vào thời Giáo Hội sơ khai, mọi tín hữu ăn chay kiêng thịt suốt 40 ngày, đến ngày thứ Năm Tuần Thánh, người ta góp lại cho Hội Thánh số của cải dành dụm được nhờ thời gian ăn chay. Số của cải chắc chắn là rất nhiều, Hội Thánh dùng để bày tỏ lòng yêu mến đối với những người nghèo đói, cũng như góp phần vào những công việc mục vụ của cộng đoàn địa phương, hoặc của Hội Thánh  phổ quát.

II. ĂN CHAY.

Trong tâm tình ăn chay, Đức Giê-su dạy: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả làm ra vẻ thiểu não để cho thiên hạ thấy mình ăn chay. Làm như thế đã được phần thưởng nơi người đời. Còn anh em, khi ăn chay hãy rửa mặt cho sạch, chải dầu cho thơm, để chỉ muốn Thiên Chúa thấy, Ngài thấu suốt nơi kín đáo sẽ trả lại cho anh em” (Mt 6,16-18).

“Chớ rầu rĩ, hãy rửa mặt cho sạch, và chải dầu thơm”: có nghĩa là :

1/ Con người được Chúa giải phóng, không nô lệ cho tội lỗi, không nô lệ cho đam mê xác thịt. Vì: “Kẻ Nô lệ không được ở trong nhà, con mới được ở trong nhà” (Ga 8, 34-35). Vào thời Đức Giê-su, chỉ có con vua mới được xức dầu trên đầu, nên ta cần biểu lộ cho người đời biết ta là con Vua Trời. Mặt khác, không sống nô lệ cho tội lỗi mới là người có danh thơm tiếng tốt, quý giá hơn dầu thơm xức trên đầu. Lời Kinh Thánh  nói: “Tiếng thơm hơn dầu thơm, thì ngày chết hơn ngày sinh” (Gv 7,1).

2/ Người thuộc về Thiên Chúa: Xức dầu thơm trên đầu còn có nghĩa là để Thiên Chúa chiếm đoạt và điều khiển con người của ta. Lời Thánh Kinh nói: “Dầu-Xức anh em đã lãnh nơi Ngài, hiện lưu lại trong anh em, nên anh em không cần nhờ ai dạy bảo. Phải hơn như Dầu-Xức của Ngài dạy anh em về hết mọi sự, và là sự thật không phải là sự dối trá, nên chiếu theo điều Dầu-Xức đã dạy: anh em hãy lưu lại trong Ngài” (1 Ga 2,27). Một khi ta đã được kết hợp với Dầu-Xức là Chúa Ki-tô, thì ta được vinh dự “tỏa ra hương thơm của Chúa Ki-tô giữa người được cứu độ và những kẻ bị hư đi” (2Cr 2,15).

III. LÀM VIỆC LÀNH CỤ THỂ LÀ CHIA SẺ CỦA CẢI.

Khi chia sẻ phải ý thức hai điều sau đây :

1- Làm việc lành không phô trương công đức.
Đức Giê-su dạy: “Khi làm việc lành phúc đức đừng phô trương để thiên hạ thấy. Làm lành tay phải đừng cho tay trái biết, đừng khua chiêng đánh trống, biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá,mong được người ta khen! Làm như thế, đã được lãnh thưởng nơi người đời thì mất phần thưởng nơi Cha trên trời” (x Mt 6,1-4: Tin Mừng).
Lời giáo huấn trên Chúa chỉ nhắm dạy chúng ta: đừng làm vì danh lợi nơi tay người đời, mà làm lành chỉ cần Chúa biết, đợi lãnh thưởng từ tay Thiên Chúa thì lớn lao hơn. Do đó, nếu ta làm việc lành mà người khác biết, họ khen ta, thì ta nói với họ: Chúa dạy tôi như vậy, vì Chúa muốn mọi người làm “việc lành để trở nên như ngọn đèn soi sáng cho mọi người trong thế gian” (x Mt 5,13-16).

2- Tôn trọng đồng loại.

Đức Giê-su không dạy ta đem của bố thí, vì bố thí là hạ phẩm giá người khác, tự coi mình là một chủ nhân ông ! Nhưng Ngài dạy ta phải chia sẻ (Hy-ngữ là Sedakah). Người biết chia sẻ là người ý thức: của cải Chúa ban không dành riêng cho mình, mà còn cho người khác . Bởi vì trái đất này Chúa dựng nên không trao riêng cho ai, nhưng cho hết mọi người làm chủ, nên mỗi người, gia đình, quốc gia, phải được hưởng phần của cải chính đáng (x Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 69). Nhất là chia sẻ không chỉ nhằm giải quyết bụng đói của đồng loại, mà đó là dấu chỉ tình yêu để cho mọi người nhận ra Thiên Chúa là Cha chung, Ngài yêu thương hết mọi phàm nhân. Có thế việc chia sẻ mới quy hướng lòng tha nhân thuộc về Thiên Chúa. Đức Giê-su nói ai làm như thế là làm cho “kẻ bé nhỏ” – người được Chúa Ki-tô cứu độ trong Hội Thánh, cũng chính là làm cho Ngài (x Mt 25,34-40).
Việc chia sẻ còn có giá trị thanh tẩy tội mình và làm cho ta được sống. Ông Tôbya dạy con: “Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, chia sẻ đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công ; làm phúc chia sẻ thì hơn là tích trữ vàng bạc. Việc chia sẻ cứu cho khỏi chết và tẩy sạch tội lỗi. Người chia sẻ thì được sống lâu dài” (Tb 12,8-9).

IV. CẦU NGUYỆN.

Đức Giê-su dạy: “Đừng thích đứng nơi công cộng để cầu nguyện hòng cho người ta thấy, hãy vào phòng đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha trên trời, Đấng hiện diện cả nơi bí ẩn” (Mt 6,5-6: Tin Mừng).
“Cầu nguyện phải vào phòng đóng cửa lại”: Câu này nhằm ba ý nghĩa :
- Khi cầu nguyện phải “đóng cửa lòng”, tức là gác bỏ bớt những công việc làm ăn trong cuộc sống, để đặt việc tìm kiếm ý Chúa mà thực hành, hơn tìm kiếm những thực tại ở trần gian này, như Đức Giê-su nói: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và sự công chính của Ngài, còn những điều khác Ngài sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33). Như thế khi cầu nguyện đừng để xác nơi Nhà Thờ còn hồn thì chu du khắp nơi trên thế gian, lo tính toán những chuyện đời.

- Cầu nguyện “đóng cửa tâm hồn” không cho hướng về thế gian mà phải “mở cửa lòng” hướng về Thiên Chúa, và đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài là Đấng toàn năng, chỉ duy mình Ngài biến dữ ra lành, biến chết ra sống. Cụ thể như ông Đaniel biết lệnh vua cấm không được cầu nguyện với Thiên Chúa, một chỉ cầu khẩn nơi vua. Nhưng Daniel lên lầu đóng các cửa phòng lại, chỉ mở một cửa hướng về Giê-ru-sa-lem mà cầu nguyện với Thiên Chúa, xin Chúa cứu ông khỏi tay độc ác  của vua (x Dn 6,11) ; hoặc như ngôn sứ Êlysa, khi ông cầu nguyện cho con của bà Lớn thành Shunem đã chết được sống lại, ông phải đóng tất cả các cửa phòng lại mà cầu nguyện với Thiên Chúa mà thôi ! (x  2V 4,33).

- Cầu nguyện “đóng cửa lòng”, không hứng theo xác thịt để phải chết, mà là hứng theo Thần Khí để được sống và bình an (x Rm 8,6). Cụ thể thú tội mình với Chúa trong khiêm nhường là lãnh nhận các Bí tích, đặc biệt là Bí tích Giao Hòa và Bí tích Thánh Thể. Như thánh Phao-lô thay mặt Đức Ki-tô mà kêu gọi: “Nhân danh Đức Ki-tô, tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên công chính” (2 Cr 5,20-21: Bài đọc II). Vậy ta hãy cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương, mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm” (Tv 51/50,3: Đáp ca).

Ngạn ngữ Đức có câu: “Ngã vào tội là người, ở trong tội là quỷ”. Và thánh Isaac, Viện Phụ Đan viện Sao Mai nói: “Có hai điều chỉ thích hợp với một mình Thiên Chúa, đó là vinh dự được nghe thú tội và quyền tha thứ. Chúng ta phải thú tội với Người, và trông đợi Người tha thứ cho chúng ta. Nhưng Chúa Ki-tô chỉ muốn tha tội cho chúng ta qua Hội Thánh Ngài thiết lập”.

Vậy trong Mùa Chay, Hội Thánh dùng Lời Chúa kêu gọi: “Ngày hôm nay, anh em chớ cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa.” (Tv 95/94,7b.8a: Tung Hô Tin Mừng). Nghe tiếng Chúa cụ thể ta dựa vào Tin Mừng trong Thánh Lễ hôm nay, Chúa tha thiết kêu gọi mọi người hãy đi bốn bước: Sám Hối – Ăn Chay – Chia Sẻ - Cầu Nguyện, để tìm lại sự hiện diện của Chúa Giê-su trong cuộc sống, như Ngài nói: “Bao lâu Tân Lang (Đức Giê-su) còn ở với người ta, thì không ăn chay. Nhưng sẽ đến những ngày Tân Lang bị cất đi (lúc ta phạm tội), và bấy giờ người ta sẽ ăn chay” (x Mc 2,19-20).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét