Buồn bực, lo toan, tôi đều rũ bỏ ngay trước cửa nhà
- Xem Thành Lộc diễn say sưa trên sân khấu, nhất là các vai diễn trong các vở kịch dành cho thiếu nhi, ít ai nghĩ rằng anh đã ngoài 50 tuổi. Anh có thể chia sẻ cho độc giả biết những bí quyết đã làm anh trẻ lâu ở ngoại hình cũng như trong nghề nghiệp?
Có được điều đó là do tôi yêu công việc. Tới thời điểm này, tình yêu đó vẫn chưa hề suy giảm. Bao giờ bước ra sân khấu, tôi cũng trong một tâm thái phấn chấn, vui vẻ và lạc quan như thuở ban đầu. Nói về mặt kỹ thuật của diễn viên, đó chỉ là sự hóa thân vào nhân vật thôi. Khi người diễn viên có tình yêu công việc thì sự hóa thân sẽ trở nên rất dễ dàng, trọn vẹn, không chỉ đối với sân khấu thiếu nhi mà còn cả sân khấu người lớn. Quan trọng hơn hết, tôi đã tập cho mình tính lạc quan trong cuộc sống, tiếp nhận mỗi vấn đề đến với mình bằng một tâm thái rất hồn nhiên, vui vẻ. Rất ít ai thấy tôi mang nỗi buồn lên sân khấu!
Không, không có gì mà phải “gồng gánh” cả. Tôi có khả năng loại bỏ những “tạp chất” trong tâm hồn mình rất nhanh. Sau một ngày, tất cả những buồn bực, lo toan, tôi đều rũ bỏ ngay trước cửa nhà. Chính vì vậy mà tôi luôn có một giấc ngủ rất là ngon.
- Nghe anh nói, có vẻ những nỗi buồn, lo toan không thể nào chạm vào cuộc sống của anh được?
Đúng là như vậy. Tôi đã tập cho mình có khả năng đề kháng với nỗi buồn đã gần 20 năm nay rồi! Tôi không phải là thần thánh gì nhưng tôi cương quyết không để những phiền toái nằm trong đầu lâu hơn 24 giờ đồng hồ!
- Vậy trước đây 20 năm, anh đối phó với những buồn bực thế nào?
Hồi ấy, khi có những chuyện buồn phiền, tôi cứ mang nặng trong lòng hoài, rất lâu. Tâm thái không bình ổn kéo dài đã là nguyên nhân làm tôi bị đau bao tử. Tôi phải sống chung với những cơn đau hành hạ thể xác, có đêm tôi phải thức trắng. Kinh khủng hơn, tôi đã nhiều lần đối mặt với cái chết. Những lúc ngồi trước gương để hóa trang, tôi thảng thốt vì những vết chân chim, những quầng hiện ngày càng nhiều trên khoé mắt. Tôi thấy mình già và tàn tạ nhanh quá. Từ đó, tôi hay nổi cáu vô cớ với những người xung quanh. Cuối cùng, tôi tự nhủ: cứ sống trong buồn phiền mãi, cũng chẳng ai giúp mình giải quyết, ngoài bản thân. Thôi thì không buồn phiền nữa, cứ yêu đời mà sống!
Biết đâu 10 năm nữa thì cách diễn của tôi sẽ trở thành lạc hậu
- Khán giả của anh thuộc đủ mọi tầng lớp và lứa tuổi: bình dân, trí thức, người già và thiếu nhi. Anh có thấy mình quá “tham lam” trong việc thu vén hết lượng khán giả về mình?
Khi lao vào công việc, tôi không có ý thức được là mình tham lam hay không. Làm được điều đó, là một sự may mắn, niềm vui đối với người nghệ sĩ, không chỉ riêng gì tôi. Nghệ thuật vốn dĩ có sứ mạng hướng con người đến những giá trị đích thực: chân - thiện - mỹ và bổn phận của người nghệ sĩ là phải hướng khán giả đến giá trị mang tính nhân văn.
- Anh nói thế nghĩa là anh sẽ rất kén kịch bản. Để có những vở kịch hay, anh phải giải quyết thế nào trong tình trạng khan hiếm kịch bản hiện nay?
Tôi không đánh giá công việc mình đang làm quá cao đâu! Tôi nghĩ mình là một người sống thực tế và nhận ra được vấn đề. Nếu ví sân khấu kịch là một mâm cỗ, thì thực đơn ở nhà hàng của chúng tôi có rất nhiều món ăn để phục vụ cho nhiều khẩu vị khác nhau, từ cao cấp cho đến bình dân. Các món ăn đều hướng đến tiêu chí là phục vụ cho thực khách sự ngon miệng.
- Nhiều người nói rằng rất khó tìm ra một Thành Lộc thứ hai cho sân khấu kịch, tính đến thời điểm này. Anh nghĩ sao về điều đó?
Nếu điều đó là sự thật, tôi rất hãnh diện. Cái gì “có một không hai” sẽ trở nên rất quý. Nếu nghĩ theo một ý khác, điều đó không có gì đáng buồn cả. Tôi luôn quan niệm rằng, trong nghệ thuật không có chuyện ngôi sao này sẽ thay thế ngôi sao kia mà chỉ mọc thêm ngôi sao khác. Biết đâu 10 năm nữa thì cách diễn của Thành Lộc sẽ trở thành lạc hậu và chẳng ai muốn diễn giống Thành Lộc nữa?
- Cũng có người bảo Thành Lộc khôn. Cứ “dụ” khán giả nhóc tì, thế nào các cháu cũng vòi vĩnh cha mẹ đi xem cùng. Một mũi tên, trúng… ba con chim. Đó là một “chiêu” kinh doanh của các anh?
Gần đúng như những điều bạn hỏi, nhưng phải hiểu rộng hơn nữa. Xin nhấn mạnh: tiền thân của sân khấu kịch IDECAF (Viện Trao đổi văn hóa với Pháp – TP.HCM) là một sân khấu thiếu nhi. Đến lúc thành công, chúng tôi mới phát triển thêm sân khấu kịch dành cho người lớn và vẫn duy trì sân chơi này cho các cháu. Chúng tôi đều là những người rất yêu trẻ nhỏ và nhận thấy trẻ em Việt Nam mình bị thiệt thòi quá, gần như không có ai quan tâm đến mảng giải trí dành cho các cháu. Thỉnh thoảng, đâu đó phát động phong trào này, phong trào kia, có hội diễn này, hội diễn nọ, thậm chí tổ chức liên hoan sân khấu quốc tế dành cho thiếu nhi tại Việt Nam rất rình rang, đình đám nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. Tất cả dường như chỉ mang tính tự phát nhằm lấy thành tích.
Anh em chúng tôi, nhất là anh Huỳnh Anh Tuấn – giám đốc sân khấu kịch IDECAF, đã dốc tâm cho ra đời một sân khấu kịch dành riêng cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn thường xuyên làm băng đĩa để các tác phẩm kịch nói đến tay các cháu ở nông thôn, không có điều kiện xem trực tiếp. Thành lập sân khấu kịch cho thiếu nhi, chúng tôi đã và đang “ươm mầm” một lớp khán giả thích bộ môn kịch nói riêng và sân khấu trình diễn nói chung trong tương lai. Ngay từ nhỏ, các cháu đã thích xem sân khấu trình diễn thì khi lớn lên, chắc chắn các cháu không thể nào thay đổi sở thích được.
- Một tên tuổi Thành Lộc sừng sững, giả sử một ngày nào đó, anh chỉ cần diễn tệ một vai duy nhất, dù nhỏ, có thể người ta nói: “Thành Lộc bây giờ diễn không còn hay như ngày xưa nữa, oải lắm”. Anh có cảm thấy bị áp lực vì danh tiếng của mình không?
Đối với một tuổi nghề, nhiều kinh nghiệm như tôi, sẽ không vất vả lắm khi tiếp cận những nhân vật mới. Tôi cũng xin nói rõ: Từ lúc bước chân vào nghề đến bây giờ, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ phân biệt một vai diễn “nhỏ” hay “lớn”. Sân khấu vốn dĩ mang tính kỷ luật, ngày hôm nay anh có thể là trung tâm của một đêm diễn, nhưng qua đêm sau, vị trí đó có thể là của một đồng nghiệp khác. Quan trọng nhất, dù anh đứng ở góc nào của sân khấu, vai phụ hay vai chính, anh cũng phải giữ được sự chín chắn của nghề nghiệp. Áp lực với chính bản thân khi nhận vai diễn mới là làm sao mình vẫn giữ được nét thanh xuân nghề nghiệp và diễn có hồn. Nếu diễn vai mới không thể hay hơn vai cũ, thì cũng phải làm sao cho bằng, chứ không thể tệ hơn được.
Tôi đã sống và quyết không đi bằng… đầu gối!
- Anh chịu ảnh hưởng gì từ người cha trứ danh của mình, NSND Thành Tôn?
Tôi chịu ảnh hưởng rất nhiều từ cá tính của ba, chỉ có điều tôi không có máu Lương Sơn Bạc như ông.
Ngày xưa, ba tôi chạy ghe đi hát ở Nam kỳ lục tỉnh, nơi nào có cường hào ác bá ăn hiếp nghệ sĩ là ổng xách mã tấu ăn thua đủ. Ổng rất thích bênh vực người nghèo và những người yếm thế. Tính này tôi giống y chang ông già.
Sự chân thành, thẳng thắn của tôi đã làm cho nhiều người thương nhưng cũng không ít người ghét.
- Vì vậy có nhiều người không hiểu, nói Thành Lộc chảnh?
Đúng rồi. Tính tôi không ưa những người nổi tiếng mà chảnh, xem người khác không ra gì. Ai chảnh là tôi sẽ chảnh lại gấp đôi, cho biết thế nào là lễ độ.
Nhưng đó cũng chỉ là quan điểm sống quá khứ, cách đây đã nhiều năm rồi. Bây giờ tôi cũng chẳng quan tâm đến điều đó, đời người hữu hạn, sao ta không tìm đến niềm vui an lạc để mà tận hưởng nó mà lại rước thêm nghiệp vào mình để làm gì? Đối với những ai có cách sống không hòa hợp với mình thì tốt nhất là mình không thân cận, chỉ giữ lại ở mức độ cộng sự thôi, còn tình hình trở nên xấu hơn thì tôi chọn cách… rút lui! Tôi đã làm vậy nhiều rồi, lại thấy lòng mình thanh thản lắm. Thường người ta lại không "tử nạn" vì kẻ thù trước mặt, mà lại là nạn nhân của những lời đồn đại sau lưng, ai "nghe đồn" tôi "chảnh" ư? Thì cứ kết giao và làm việc cùng tôi một mùa đi, bạn sẽ tìm được câu trả lời ngay thôi mà.
- Anh có thể kể về một việc làm ngang bướng của anh?
Vào thập niên 1980, ai ở trong biên chế, ăn lương nhà nước là một điều gì đó ngon lành lắm. Thế mà tôi đã xin rút ra khỏi biên chế của Sở Văn hoá – Thông tin TP.HCM (nay là Sở Văn hoá – Thể thao - Du lịch TP.HCM), làm một diễn viên tự do, chỉ vì phản đối cách hành xử sai trái của một số cá nhân, nhằm bảo vệ quyền lợi cho anh chị em công nhân hậu đài. Tôi còn nhớ một vị cán bộ văn hóa đã đến nhà tôi, năn nỉ tôi đứng về phe người đó, nhưng tôi đã đuổi thẳng: “Đi ra khỏi nhà tôi ngay!”.
- Cam go cho anh quá nhỉ!
Chưa hết đâu, tôi còn nhớ, lần đầu tiên tôi mua trả góp một chiếc xe hơi, tôi đã bị “chụp mũ” rằng: “Thành Lộc đã bị tư nhân mua chuộc”! Ghê lắm! Tôi từng bị “chụp mũ” nhiều chuyện kinh thiên động địa, không thể tưởng tượng ra nổi!
Khi chúng tôi bắt đầu hình thành sân khấu IDECAF, người ta còn “chọt” lên tới lãnh đạo thành phố, vu khống tôi là “mầm mống phá hoại các đơn vị nghệ thuật nhà nước, mang văn hóa tư sản vào”. Tôi vượt qua tất cả nhờ vào lòng tin quá mạnh vào tổ nghiệp và khả năng của bản thân. Tôi đã sống và quyết không đi bằng… đầu gối!
- Là một người có ngoại hình không được… vạm vỡ nhưng anh lại rất ngang tàng, có quyền lực trong giới sân khấu. Những điều đó xuất phát từ đâu?
Từ uy tín nghề nghiệp của tôi!
- Hoạt động nghệ thuật lừng lẫy như thế, cho đến giờ phút này anh thuộc tầng lớp giàu hay nghèo?
So với những người hoạt động nghệ thuật cùng thời, tôi là người nghèo nhất. Tôi từ chối rất nhiều cơ hội. Ngày xưa, có một đồng nghiệp nữ cùng thời với tôi có nói: “Em thấy anh khờ quá, cờ trong tay mình phải phất chứ”. Tôi chỉ mỉm cười, không đáp lời, vì mỗi người có một cách sống riêng. Hiện nay, cô đồng nghiệp này đang có trong tay một tài sản kếch xù đấy!
- Cống hiến gần như cả tuổi thanh xuân của mình cho nghệ thuật, tại sao đến lúc này anh vẫn chỉ là NSƯT mà chưa được phong là NSND?
Đơn giản là vì tôi không thích làm đơn, làm thủ tục để “xin” được phong tặng!
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét