“Thực ra, trẻ em vẫn thích sách, nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng sách chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống của trẻ. Làm thế nào để phần nhỏ đó không mất đi, trở nên thú vị hơn, đó là lúc cần sự góp sức của người lớn”.
Tiến sĩ giáo dục học Nguyễn Thụy Anh đưa ra lời khuyên cho các bậc cha mẹ trong Ngày Văn học châu Âu 12/5 tại Hà Nội.
Giá trị sống mới là điều chúng ta hướng đến
Tại tọa đàm, TS Thụy Anh nhận định, trong thời đại của truyền thông nghe nhìn, sẽ không hợp lý khi bắt trẻ em phải luôn luôn chú tâm vào sách. Nhưng người lớn cũng không thể vì chỉ nhìn thấy các em xem ti vi, chơi điện tử hay dùng máy tính mà nghĩ rằng các con đã thờ ơ với sách. Thực ra, trẻ em vẫn thích sách, nhưng chúng ta phải chấp nhận rằng sách chỉ là một phần nhỏ trong cuộc sống của trẻ. Làm thế nào để phần nhỏ đó không mất đi, trở nên thú vị hơn, đó là lúc cần sự góp sức của người lớn.
“Tôi thấy nhiều phụ huynh mua cho con nhỏ quá nhiều sách dạy kỹ năng, nhưng tại sao cứ luôn tìm kiếm kỹ năng sống trong khi các giá trị sống có thể từ từ thấm vào các em qua sách văn học, từ đó các em sẽ tự mình suy nghĩ và hành xử” - chị Thụy Anh nói trong buổi giao lưu.
Hiển nhiên, kỹ năng là điều cần thiết trong cuộc sống, nhưng giá trị sống mới là điều chúng ta hướng đến. Khả năng cảm nhận văn học và văn hóa cũng có thể rèn luyện từ nhỏ, và đây là một cuộc “đầu tư” lâu dài cho cả cuộc đời.
Sách văn học dành cho trẻ em không chỉ gói gọn trong các tác phẩm văn học thiếu nhi. TS Thụy Anh cho biết, chị từng cho các em đọc tác phẩm Giọt rừng của nhà văn Nga Phaselia Mikhail Prisvin (bản dịch của Đoàn Tử Huyến, NXB Lao Động), một cuốn sách dường như là khó đọc không chỉ với trẻ em vì không có cốt truyện mà là những tản văn về thiên nhiên. Chị đặt ra cho các em những câu hỏi liên quan đến các chi tiết tả thiên nhiên trong tác phẩm. Khi đọc và tìm kiếm câu trả lời, các em cũng cảm nhận tác phẩm một cách tự nhiên.
* Xây dựng văn hóa đọc từ trẻ em
Trong khuôn khổ Ngày Văn học châu Âu tại Thư viện Quốc gia, NXB Kim Đồng giới thiệu bộ truyện tranh thiếu nhi Những câu chuyện ở thị trấn Lúc Búc được sáng tác với sự hỗ trợ của chuyên gia Đan Mạch: Nhà văn Sally Altschuler và hoạ sĩ Tove Krebs Lange. Bộ truyện có phương pháp sáng tác mới mẻ, không kể lể những bài học đạo đức nặng nề mà kể những câu chuyện đơn giản, phù hợp với tư duy và cảm xúc của trẻ từ 2 đến 5 tuổi.
Thời gian gần đây, có nhiều nhận định bi quan về văn hóa đọc ở Việt Nam, từ những nhà nghiên cứu có tiếng tăm. Tại Ngày hội sách và Văn hóa đọc tại Hà Nội hồi tháng 4 vừa qua, GS Chu Hảo từng nói: “Văn hóa đọc của ta đã cao bao giờ đâu mà có chuyện xuống thấp”. Và những người tâm huyết đã chỉ ra rằng, cách hiệu quả nhất để thay đổi điều này là phải tập thói quen đọc sách, niềm yêu thích sách từ khi còn là trẻ con.
Chị Hà Trang, một phụ huynh bế con nhỏ đến buổi tọa đàm sáng 12/5 cho biết, chị đọc sách cho con nghe một cách điều độ từ khi đang mang thai đến bây giờ (bé khoảng hơn một tuổi) và sẽ giữ thói quen này trong tương lai.
Theo TS Thụy Anh, điều quan trọng là sách nên tạo ra sự gắn kết trong gia đình chứ không tách rời các thành viên ra. “Nếu muốn con hiểu ra các giá trị sống, bố mẹ phải thực sự ở bên cạnh con, đọc sách cùng con chứ không phải để mặc trẻ với các cuốn sách kỹ năng”, tiến sĩ Thụy Anh nhận định.
Theo chị, việc đọc sách nếu có thể hãy tổ chức thành một buổi sinh hoạt gia đình, có cả bố, mẹ, các con.
Nhiều năm nghiên cứu về giáo dục và một thời gian dài theo học ở Nga, TS Nguyễn Thụy Anh rất quan tâm đến văn hóa đọc ở các lứa tuổi. Chị đồng thời là chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét